TIN TỨC

Trang chủ / TIN TỨC

Cần quan tâm hơn đến các chính sách về công nghệ thông tin

Môi trường công nghệ ở Việt Nam được đánh giá phát triển, đáp ứng nhu cầu người dùng trong khi đại dịch diễn ra.

Chiều nay (18/12), Hội nghị Quốc gia lần thứ XXIV về điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin với chủ đề “Make in Việt Nam, tư duy đổi mới và thực tiễn sáng tạo” đã được diễn ra với hơn 200 đại biểu tham dự.

Hội nghị là cơ hội cho các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý Nhà nước đóng góp những sản phẩm, ý kiến của mình liên quan đến lĩnh vực truyền thông, công nghệ.

TS.Trần Đức Lai, Chủ tịch REV đánh giá rằng năm 2021 là năm có nhiều biến động, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng xấu đến kinh tế. Song cũng là năm ngành thông tin truyền thông đã và đang nỗ lực hết mình để đưa khoa học công nghệ trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin góp phần ngăn chặn đại dịch và đưa ra nhiều giải pháp nhằm phục hồi kinh tế-xã hội.

“Với diễn đàn này, tôi hi vọng đây là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhà khoa học trao đổi để tìm ra giải pháp tối ưu để kiến nghị với Nhà nước phục vụ cho sự phát triển thông tin truyền thông, công nghiệp công nghệ thông tin”, ông Lai bày tỏ.

Trong bài phát biểu của mình, TS.Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Việt Nam chúng ta đang tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Việc áp dụng khoa học công nghệ sẽ làm thay đổi trong quản lý và điều hành, sản xuất kinh doanh. Tác động mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo, hoạt động nghiên cứu, và cuộc sống bình thường của con người”.

Sự kiện - Cần quan tâm hơn đến các chính sách về công nghệ thông tin

TS. Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng hi vọng rằng, sau khi kết thúc hội nghị sẽ có một báo cáo tổng hợp để tham mưu cho Bộ Thông tin và Truyền thông những giải pháp, chính sách quản lý để hỗ trợ các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp.

TSKH.Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đánh giá cao chủ đề của hội nghị: ”Năm nay có rất nhiều công trình nghiên cứu tham gia với chủ đề đa dạng, phong phú, điều này cho thấy rằng hoạt động năng động năng động, sáng tạo của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu lĩnh vực khoa hoc, viễn thông.

Hội nghị năm nay là một điểm nhấn đáng lưu ý, có sự đóng góp của công đồng các nhà nghiên cứu và thể hiện quyết tâm của chúng ta trong việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia”.

Ngoài ra đây cũng là cơ hội tôn vinh những công trình xuất sắc trong lĩnh vực, giúp cho các ứng dụng này nhanh chóng đi vào trong thực tiễn. Theo đó, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực để phát triển đất nước.

Sự kiện - Cần quan tâm hơn đến các chính sách về công nghệ thông tin (Hình 2).

Các nhà khoa học được vinh danh

Vẫn còn nhiều lỗ hổng trong chính sách

Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT) đã đưa ra những hạn chế về chính sách pháp luật đối với ngành.

Theo đó, Luật Công nghệ thông tin có 3 trụ lớn: ứng dụng công nghệ thông tin; công nghiệp công nghệ thông tin và biện pháp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh như hiện nay, có nhiều vấn đề nảy sinh trong liên quan đến pháp luật.

Bà Hương cho biết: “Hiện nay, không có quy định liên quan đến sản phẩm dịch vụ 4.0, chưa có phân loại của hoạt động công nghệ thông tin cho phù hợp.

Các quy định khái niệm công nghệ số, sản phẩm của công nghệ số, khái niệm hoạt động gia công, hoạt động dịch vụ chưa được đề cập trong quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, Luật Công nghệ thông tin trước kia có rất nhiều khái niệm liên quan đến sản phẩm phần cứng, sản phẩm phần mềm tuy nhiên chỉ dừng ở mức phân loại chưa được gọi là chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển.

Bà Tô Thị Hương cung cấp thêm: “Việt Nam có lợi thế là môi trường chính trị xã hội ổn định tác động đến sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt chưa lúc nào lĩnh vực công nghệ số được quan tâm, chỉ đạo nhất quán từ TW đến địa phương.

Ngoài ra chúng ta có tiềm năng nhân lực công nghệ số, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn bị cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực, còn phụ thuộc vào thị trường quốc tế nên gây mất cân đối, phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, phụ thuộc vào tài nguyên dữ liệu, bị mất lợi thế về nhân công”.

REV-ECIT 2021 nhận được 102 công trình khoa học đến từ 25 trường Đại học, Viện nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu khoa học trên toàn quốc. Sau khi phản biện khoa học, Ban tổ chức hội nghị đã chấp nhận 79 công trình tiêu biểu để trình bày và đăng trên Kỷ yếu hội nghị (chiếm tỉ lệ 77%). Trong số đó, có 33 công trình được báo trong 06 phiên hội thảo và 46 công trình được trình bày dưới dạng poster.

Đặc biệt, REV-ECIT 2021 được tổ chức với điểm nhấn là Giải thưởng Sản phẩm Khoa học Công nghệ Điện tử Viễn thông Việt Nam (REV Award 2021) nhằm tôn vinh các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu của Việt Nam có các sản phẩm khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực Điện tử - Viễn thông có ý nghĩa thực tiễn cao, có tính sáng tạo và đổi mới nhằm phục vụ sự phát triển của đất nước.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/can-quan-tam-hon-den-cac-chinh-sach-ve-cong-nghe-thong-tin-a537390.html